Home / Bệnh học / Các biểu hiện thường gặp của bệnh rôm sảy

Các biểu hiện thường gặp của bệnh rôm sảy

Bệnh rôm sảy kéo dài sẽ khiến trẻ cảm thấy khó chịu vì ngứa ngáy, đau rát, thường xuyên quấy khóc, ăn ngủ không ngon giấc, nghiêm trọng hơn còn gây viêm da và sốc do nóng… Chính vì thế việc nắm rõ các biểu hiện của bệnh rôm sảy sẽ giúp mẹ chủ động trong việc phát hiện và điều trị kịp thời.

Sở dĩ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất dễ bị bệnh rôm sảy là do lúc này làn da của bé vô cùng mỏng manh và nhạy cảm, tuyến mồ hôi của trẻ chưa phát triển đầy đủ nên khi tiếp xúc với nhiệt độ cao sẽ tiết ra nhiều mồ hôi, mồ hôi không được bài tiết hết ra ngoài, tích tụ ở lỗ chân lông và dẫn tới rôm sảy. Ngoài ra nếu như mẹ để bé mặc quá nhiều quần áo dày, bé vận động mạnh hoặc lười vệ sinh thân thể… cũng sẽ rất dễ bị bệnh rôm sảy.

Các biểu hiện thường gặp của bệnh rôm sảy
Các biểu hiện thường gặp của bệnh rôm sảy

Những biểu hiện của bệnh rôm sảy ở trẻ em:

Bệnh rôm sảy là căn bệnh ngoài da, biểu hiện dễ nhận thấy nhất của bệnh đó là sự xuất hiện của các nốt nhỏ li ti có màu đỏ hoặc hồng nhạt, thường mọc thành từng mảng đám lớn ở các vùng da hay tiết mồ hôi như da đầu, ngực, lưng, trán… hoặc cũng có thể xuất hiện ở những vùng kẽ lớn như nách, bẹn, thậm chí lan ra ở toàn thân.

Sau đó sẽ phát triển thành những sẩn nhỏ màu hồng, có mụn nước nhỏ hoặc có mụn trắng xen vào. Đồng thời trẻ sẽ thấy bị ngứa ngáy, đau và sưng vùng da bị ảnh hưởng và các khu vực xung quanh, vùng da rôm sảy có thể kèm mủ, chảy nước mủ. Ngoài ra còn kèm theo các biểu hiện khác như sưng bạch huyết ở nách, ở háng hoặc cổ, bị sốt cao, ớn lạnh, trẻ thường quấy khóc và bỏ ăn do ngứa rát khó chịu. Thông thường khi thời tiết mát thì rôm sẽ tự lặn đi để lại đám vảy bong ra màu trắng nhưng khi thời tiết nóng sẽ tái phát.

Xem thêm: Cách phòng chống bệnh rôm sảy

Đặc biệt biểu hiện bệnh rôm sảy còn tùy theo từng dạng mà có biểu hiện cụ thể. Dựa vào độ sâu của các ống mồ hôi bị tắc nghẽn mà người ta chia ra thành các dạng rôm sảy khác nhau, mỗi loại sẽ có biểu hiện riêng như:

+ Rôm sảy dạng tinh thể (tên khoa học là miliaria crystalina): đây là loại rôm sảy nhẹ nhất và chỉ gây ảnh hưởng tới các ống tuyến mồ hôi trên cùng. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là sự xuất hiện của các mụn nước rất nông ở lớp sừng, không gây viêm cũng không sốt cao, khi khỏi bệnh sẽ để lại các mảng da mỏng và ít để lại sẹo.

+ Rôm sảy dạng rôm đỏ (hay còn gọi là miliaria rubra): thường xuất hiện khi thời tiết nóng ẩm, các vị trí hay mọc rôm nhất là ở lưng, thân và các vùng da hay bị cọ xát với quần áo, hoặc có thể mọc ở cổ gáy và bẹn… Tổn thương do bệnh gây ra là các nốt sẩn đỏ dày thành từng đám, khiến trẻ thấy ngứa ngáy khó chịu. Dạng rôm sảy này nếu kéo dài sẽ gây viêm da, gây bội nhiễm da, mọc mụn nhọt hay chốc lở…

+ Rôm sảy dạng rôm sâu (còn gọi là miliaria profunda): đây là bệnh rôm sảy cấp độ nặng nhất, nếu rôm đỏ không chữa trị kịp thời, tái phát nhiều lần sẽ dẫn tới rôm sâu. Biểu hiện dễ nhận thấy nhất của bệnh là sự hiện diện của các nốt sần có kích thước từ 1-3mm, sẩn này có màu nhạt và cứng, không hâu ngứa ngáy, thường xuất hiện ở tay chân…

Lời khuyên: nếu không may nhận thấy những biểu hiện rôm sảy ở trẻ sơ sinh trên đây thì các mẹ nên can thiệp kịp thời bằng cách, cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, bằng chất liệu cotton là tốt nhất. Đặc biệt nên chú ý thường xuyên tắm gội, vệ sinh sạch sẽ cơ thể cho bé, có thể dùng sữa tắm chuyên dụng có thành phần tự nhiên hoặc các loại lá để tắm…

Ngoài ra các biểu hiện rôm sảy mà tiến triển càng nặng thì cần đưa trẻ tới gặp bác sỹ chuyên khoa để được khám và có hướng xử lý tốt nhất, hiệu quả nhất.