Bệnh rôm sảy có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên toàn cơ thể, trong đó trán là vị trí dễ bị rôm sảy nhất. Vậy thì nguyên nhân dẫn tới rôm sảy ở trán là do đâu? Những dấu hiệu gì để nhận biết khi bị rôm sảy ở trán và cách điều trị?
Nguyên nhân gây bệnh rôm sảy ở trán:
Theo PGS. TS Nguyễn Duy Hưng – Tổng thư ký Hội Da liễu Việt Nam thì vào thời điểm mùa hè, nhiệt độ tăng cao, khí hậu trở nên nóng ẩm là điều kiện để cho bệnh rôm sảy hoành hành và phát triển nhanh. Đặc biệt nếu cha mẹ mà cho bé mặc quần áo dày, bí hơi, môi trường sống không được thoáng khí, lười vệ sinh sẽ rất dễ bị rôm sảy. Căn bệnh này có thể tự khỏi khi thời tiết mát mẻ hoặc có cách chăm sóc tốt.
Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh bị rôm sảy ở trán thường là do những nguyên nhân sau:
– Do thời tiết nóng bức, nhiệt độ trong môi trường tăng cao nên bé sẽ tiết nhiều mồ hôi nhằm mục đích giảm nhiệt và điều hòa nhiệt độ của cơ thể. Nhưng do lượng mồ hôi ra quá nhiều, không được làm khô nên gây bí tắc các lỗ chân lông, từ đó gây ứ đọng trong ống tuyến bài tiết mồ hôi ở da, là thủ phạm gây nên bệnh rôm sảy ở trán.
– Do ở khu vực trán có nhiều lỗ chân lông và các tuyến mồ hôi nên dễ tiết nhiều mồ hôi hơn, đặc biệt lại dễ bắt bụi bẩn, bụi bẩn bám vào lỗ chân lông mà không được vệ sinh sạch sẽ kịp thời sẽ hình thành nên các mụn rôm sảy.
– Do mồ hôi từ đầu chảy xuống trán, nếu tình trạng này kéo dài cũng dễ dàng khiến cho khu vực vùng da ở trán bị rôm sảy.
– Bên cạnh đó những trẻ bị sốt cao hoặc là nằm trong lồng ấp cũng dễ gây tắc nghẽn các ống tuyến mồ hôi trán và gây bệnh rôm sảy.
– Ngoài ra trẻ bị rôm sảy ở trán có thể là do nô nghịch, chạy nhảy nhiều gây toát mồ hôi. Hơn nữa do chức năng điều hòa thân nhiệt của trẻ chưa được hoàn thiện nên dễ bị rôm sảy ngay khi thời tiết mát mẻ.
>>> Xem thêm: Rôm sảy có nguy hiểm không?
Bệnh rôm sảy ở trán có biểu hiện gì?
Triệu chứng đặc trưng khi bị rôm sảy ở trán đó là vùng trán của bé sẽ xuất hiện các nốt mụn nhỏ li ti, ban đầu là các mụn nước nhỏ có màu hồng ở bên dưới da, sau đó các mụn này sẽ lan rộng tới các vùng khác trên cơ thể. Thậm chí là xuất hiện mụn mủ ở trẻ, chính các mụn này khiến trẻ cảm thấy vô cùng ngứa ngáy, đôi khi còn đưa tay lên gãi ngứa khiến mụn mủ chảy dịch, gây đau xót, nhất là khi có mồ hôi chảy vào.
Trẻ nhỏ khi bị rôm sảy ở vùng trán sẽ có cảm giác bứt rứt, khó chịu, trẻ liên tục quấy khóc do bị ngứa, khi gãi còn khiến cho da dễ bị trầy xước, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây bệnh. Bên cạnh đó trẻ còn thấy đau và xót, bị sưng hạch bạch huyết, có thể kèm theo sốt cao hoặc là ớn lạnh không rõ nguyên nhân.
Các vết rôm sảy ở trán dễ xuất hiện nhưng khi thời tiết mát thì sẽ tự mất đi, khi thời tiết nóng bức lại tái phát trở lại. Đặc biệt khi biến mất thì rôm sảy ở trán thường để lại các mảng vẩy da màu trắng mỏng và không để lại sẹo.
Điều trị rôm sảy ở trán như thế nào?
– Khi con bị rôm sảy ở trán thì mẹ nên cho bé nằm trong phòng mát mẻ, thoáng khí, có thể bật quạt hoặc điều hòa, không nên cho trẻ ra ngoài trời nắng nhằm mục đích ngăn không cho da tiết mồ hôi, giúp bệnh nhanh khỏi hơn.
– Dùng khăn ướt lau sạch sẽ vùng trán hàng ngày, hoặc có thể đặt khăn ướt lên trán để giữ ẩm cho da, giúp da luôn được thông thoáng.
– Các mẹ có thể lấy nhựa nha đam hoặc là dưa chuột đem đắp lên trán cho trẻ. Cách này sẽ giúp dưỡng ẩm cho da, giúp kháng viêm và làm dịu da rất tốt
– Bên cạnh đó, mẹ có thể lau rửa sạch vùng da trán rồi thoa phấn rôm lên đó.